Giải pháp Trồng rồi lại chặt

Việc khuyến khích hạn chế trồng - chặt của nông dân là giải pháp đầu tiên. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam Việt Nam đưa ra ý kiến: "Chúng tôi khuyên người dân trong quá trình trồng khi nông sản gặp giá thấp đừng vội phá bỏ, cần tìm hiểu thị trường và giảm đầu tư để hạ chi phí sản xuất, đợi giá tăng lại sẽ chăm sóc đầu tư. Như vậy sẽ giảm thiệt hại hơn so với việc vội vã chặt và đầu tư trồng mới"[1] Năm 2012, Cục phó Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Phan Văn Dư nói về ngành dừa Bến Tre "Mặc dù giá dừa liên tục giảm từ đầu năm 2012 đến nay và đang ở mức “thấp không tưởng”, nhưng đây là chuyện nóng lạnh của thị trường. Một thời gian ngắn nữa thôi, kinh tế thế giới hồi phục thì sức tiêu thụ tăng trở lại, giá dừa sẽ tăng. Chính vì thế, người dân Bến Tre cần bình tĩnh, cố gắng chịu đựng thêm một thời gian".[28] Nông dân cần canh tác ổn định, bền vững, tránh chạy theo trào lưu.[4] Việc chuyển đổi cây trồng cần xem xét kỹ khả năng thích ứng thời tiết, thổ nhưỡng, như khả năng chịu phèn cao, cây giống phù hợp với địa phương.[29]

Giải pháp thứ hai là liên kết với doanh nghiệp để họ có biện pháp bao tiêu sản phẩm ổn định cho người nông dân,[1][3] nông dân cần có Hợp tác xã và mô hình này sẽ liên kết với doanh nghiệp, và liên kết với quản lý của nhà nước.[30] Việc liên kết gắn với nhiều khâu, từ cây giống, kỹ thuật canh tác, tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu.[11] Chính phủ xác định 4 liên kết: nhà nông, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học để nông nghiệp phát triển bền vững, hạn chế tình trạng cung vượt cầu.[4]

Giải pháp thứ ba là hình thành các vùng đã được gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu để giữ ổn định sản lượng nông sản xuất khẩu.[1] Khi có mã vùng trồng xuất khẩu thì thị trường nhập từ Trung Quốc mới không bấp bênh, cũng như việc quản lý của nhà nước (Việt Nam) trước các biến động thị trường nông sản mới hiệu quả. Như thế, các vấn đề chính là đầu ra tiêu thụ của nông sản, chỉ cần giải quyết vấn đề này thì hiện tượng trồng - chặt sẽ chấm dứt.[2][3] Tuy nhiên, đòi hỏi việc mở rộng vùng trồng được cấp mã số, cũng như đàm phán tăng số lượng hàng được xuất khẩu.[2] Đồng thời, chất lượng hóa nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.[30]

Giải pháp thứ tư là chế biến, đóng gói, đa dạng hóa sản phẩm, tránh việc phụ thuộc hình thức bán tươi nông sản.[3] Giải pháp thứ năm là mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang nhiều nước,[3] tổ chức các sự kiện festival Trái cây, chẳng hạn festival Dừa vào tháng 5 năm 2012.[28] Giải pháp thứ sáu là kết hợp du lịch sinh thái và kết hợp sản xuất, như việc nuôi thủy sản ở các mương nước trong vườn.[28] Chính quyền cũng đã xác định, Việt Nam cần thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.[4]

Bên cạnh giải pháp dài hạn còn có giải pháp khẩn cấp là giải cứu nông sản.[1]

Việc chuyển sang trồng loại cây khác có nhiều khó khăn, người nông dân thiếu kinh nghiệm về loại cây trồng mới, cũng như đối mặt khó khăn chưa có kinh nghiệm tìm thị trường tiêu thụ.[19] Điều này khiến một số nông dân có sự cẩn trọng trong quá trình chuyển đổi cây trồng, họ chặt - trồng một cách từ từ. Họ tiếp tục canh tác cây trồng hiện có, nhưng trồng xen loại cây mà họ đánh giá có giá trị cao, đang có sức hút trên thị trường tiêu thụ. Việc trồng xen từng bước một số phần đất một cách từ từ, bên cạnh đó là học hỏi và nghiên cứu kiến thức, kinh nghiệm về loại cây trồng mới.[8] Tại Phú Tân, An Giang, khoảng 2012, nông dân được khuyến khích trồng xen cam và bưởi.[14]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trồng rồi lại chặt https://www.sggp.org.vn/bao-gio-thoat-khoi-vong-la... https://thanhnien.vn/binh-phuoc-lo-ngai-tinh-trang... https://quochoitv.vn/tieu-diem-chuyen-doi-cay-tron... https://vtc.vn/nong-dan-o-at-bo-lua-trong-sau-rien... https://danviet.vn/vi-sao-nong-dan-tien-giang-o-at... https://vtv.vn/kinh-te/thanh-long-ruot-do-di-nhat-... https://vov.vn/kinh-te/chat-bo-thanh-long-o-ba-ria... https://vov.vn/kinh-te/vi-dang-cay-lam-giau-post93... https://thanhnien.vn/o-at-don-bo-mang-cut-18576751... https://thanhnien.vn/o-at-chat-tieu-trong-chuoi-ca...